01 THÁNG TƯ 2020
Điểm tin tình hình hỗ trợ tài chính của Chính phủ và Ngân hàng trung ương tại một số quốc gia trên thế giới Quý I/2020

Đến nay, tình hình diễn biến dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn ra vô cùng căng thẳng trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và các nước châu Âu. Theo cập nhật của CNN ngày 23/03/2020, trên thế giới đã có hơn 339,000 trường hợp ghi nhận nhiễm virus Covid-19 và khoảng 14,700 người trong số đó đã tử vong. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ đã khuyến khích người dân làm việc tại nhà cũng như hạn chế xuất hiện tại các nơi công cộng.

Tới hết Quý I/2020, diễn biến của dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trên toàn cầu đặc biệt là các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch…Trước tình hình nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Chính phủ và Ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới đã đưa ra các chính sách hỗ trợ nền kinh tế nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra:

  • Mỹ: Ngày 5/3, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói ngân sách trị giá 8,3 tỷ USD hỗ trợ phòng chống Covid-19 trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng về khả năng dịch bệnh sẽ lan nhanh tại Mỹ. Ngày 15/3, Fed cắt giảm lãi suất 100 điểm về mức 0% - 0,25%, khởi động lại nới lỏng định lượng bằng việc đưa ra cam kết quy mô nắm giữ trái phiếu ít nhất là 700 tỷ USD và cho phép các ngân hàng vay chiết khấu trong 90 ngày cũng như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0%. Fed cho biết những ảnh hưởng của đợt bùng phát sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng nền kinh tế Mỹ, vì vậy, Fed sẽ giữ lãi suất ở mức gần như bằng 0% cho đến khi cảm thấy tự tin nền kinh tế đã vượt qua thiệt hại do dịch bệnh gây ra lần này. Fed cũng can thiệp vào thị trường Tín phiếu kho bạc bằng các giao dịch repo trị giá 1,5 triệu USD; thực hiện các giao dịch hoán đổi USD với 09 Ngân hàng trung ương nước ngoài, mở rộng nhanh chóng các chương trình ngăn chặn khủng hoảng tài chính để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế từ đại dịch Covid-19.
  • Kỳ hạn23/03/202028/02/2020Tăng/giảm
    5Y0.38%0.89%-57.3%
    7Y0.63%1.03%-38.8%
    10Y0.76%1.13%-32,7%
    30Y1.33%1.65%-19.4%
    Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ home.treasury.gov
  • Anh: Tại một cuộc họp khẩn cấp, Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đã bỏ phiếu nhất trí giảm 15 điểm cơ bản, cắt giảm lãi suất xuống 0,1% và tăng 200 tỷ Bảng chương trình mua trái phiếu BOE lên 645 tỷ Bảng. Vào ngày 11 tháng 3 trước đó, BOE đã cắt giảm lãi suất xuống 0,25% từ 0,75%. Ngoài ra, Chính phủ Anh cung cấp 330 tỷ Bảng để bảo lãnh tín dụng, trợ cấp tiền mặt và giảm thuế cho các ngành bị ảnh hưởng trong nỗ lực bù đắp ảnh hưởng kinh tế của sự bùng phát dịch. Chính Phủ Anh cũng đang dành ngân sách trị giá 18 tỷ bảng Anh tập trung vào đầu tư công và hạ tầng cũng như tăng nguồn lực cho y tế.
  • Trung Quốc: Chính Phủ Trung Quốc đã tuyên bố đưa ra các biện pháp hỗ trợ nhằm phục hồi nền kinh tế do dịch Covid-19 như: nâng hạn mức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương lên 848 tỷ RMB, dành 110 tỷ RMB cho việc ứng phó với dịch bệnh, ngoài ra, rất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cũng được đưa ra như: giảm các loại thuế, phí đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; cho phép các doanh nghiệp chậm đóng thuế và giảm 5% giá điện đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và thương mại.
    Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đưa các các chính sách tiền tệ để phục hồi nền kinh tế như: cắt giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm 10 điểm xuống còn 4,05% , trước đó, PBoC cũng đã cắt giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm từ 4.8% xuống 4.75%, PBoC cũng hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc nhằm tăng thanh khoản lên khoảng 550 tỷ RMB, khuyến khích các ngân hàng tái cấp vốn hoặc gia hạn các khoản vay đáo hạn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, các ngành bị ảnh hưởng với lãi suất thấp hơn; đưa ra hạn mức cho vay đặc biệt đối với các ngân hàng chính sách là 350 tỷ RMB; tái cấp vốn 700 tỷ RMB và tái chiết khấu 100 tỷ RMB; nới lỏng điều kiện ghi nhận nợ xấu.
  • Tây Ban Nha: Chính phủ đưa ra 100 tỷ EUR bảo lãnh cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và 17 tỷ EUR khác dành cho các biện pháp hỗ trợ nhằm kích thích cho vay. Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp cứu trợ: 18 tỷ EUR cho chính sách tài khóa mở rộng; 2,8 tỷ EUR hỗ trợ chính quyền địa phương; 1 tỷ EUR để củng cố hệ thống y tế và 400 triệu EUR cho ngành du lịch.
  • Ý: Chính phủ cam kết cung cấp gói hỗ trợ tối thiểu 10 tỷ EUR thông qua các khoản vay, tập trung vào doanh nghiệp SME, đưa ra gói cứu trợ trị giá 25 tỷ EUR thông qua các biện pháp: Hoãn thuế 4 ngày tất cả các loại thuế trực tiếp, hoãn thuế thêm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuế VAT; cắt giảm thuế và tín dụng thuế; hoãn việc trả nợ cho các công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh, hoãn việc trả lãi cho các khoản vay thế chấp nhà với các điều kiện cụ thể, cung cấp 200 triệu EUR hỗ trợ cho lĩnh vực hàng không (phần lớn là cứu trợ cho Alitalia), hỗ trợ cho các doanh nghiệp có doanh thu giảm hơn 25%, thành lập các quỹ hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em dưới 12 tuổi được kết hợp với việc thêm thời gian nghỉ phép, đưa ra chế độ trợ cấp cho những người lao động đã bị gián đoạn công việc, gia tăng nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và hạn chế sa thải công nhân trong hai tháng tới.
  • Nhật Bản: Theo sau động thái giảm lãi suất của Fed, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tuyên bố sẽ tăng khối lượng mua giấy tờ có giá và trái phiếu doanh nghiệp lên khoảng 2000 tỷ Yên cho đến cuối tháng 9/2020. Cụ thể, BOJ sẽ tăng hạn mức mua trái phiếu doanh nghiệp lên 4.200 tỷ Yên và thương phiếu doanh nghiệp lên 3.200 tỷ Yên, đều tăng 1.000 tỷ Yên so với trước đây. BOJ cũng đã mở rộng chương trình mua tài sản thông qua việc tăng khối lượng mua chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lên 12.000 tỷ Yên/năm và khối lượng chứng chỉ quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) lên 180 tỷ Yên/năm. Về các biện pháp tài khóa, Nhật Bản cũng đưa ra các gói kich thích kinh tế trị giá 445 tỷ Yên để cho vay và bảo lãnh khoản vay, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa vả nhỏ 500 tỷ yên thông qua Tập đoàn tài chính Nhật Bản, cung cấp gói cho vay không tài sản bảo đảm với lãi suất 0%.
  • Brazil: Ngân hàng trung ương Brazil đã cắt giảm lãi suất 50 điểm xuống mức kỷ lục 3.75% để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế. Ngày 16/3, Brazil đã công bố đưa ra gói hỗ trợ trị giá gần 30 tỷ USD trong chi tiêu khẩn cấp để ngăn chặn tác động của dịch bệnh đang lan rộng.
  • Iceland: để chống lại hậu quả kinh tế của dịch Covid-19, từ đầu năm, Ngân hàng trung ương Iceland đã cắt giảm lãi suất 0.5% xuống còn 2.25%, vào ngày 18/3, Ngân hàng Trung ương nước này lại quyết định giảm lãi suất xuống còn 1.75%.
  • New Zealand: Ngày 16/3, ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) cắt giảm lãi suất 0,75% xuống 0,25% và Chính phủ New Zealand công bố sẽ giữ mức lãi suất này trong vòng 12 tháng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong tình hình dịch Covid-19 không ngừng gia tăng. Ngoài ra, RBNX cũng sẵn sàng chuẩn bị cho hình thức nới lỏng định lượng trong trường hợp nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn.
  • Pháp: Chính phủ đưa ra các khoản bảo lãnh vay lên tới 300 tỷ EUR, dành 45 tỷ EUR cho các biện pháp bao cứu trợ gồm: hoãn thuế và đóng góp an sinh xã hội, bổ sung trợ cấp thất nghiệp, tăng nguồn chi phí hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe, hoãn thu tiền điện, nước, thành lập các quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bới dịch bệnh.
  • Australia: Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0,25% và công bố sẽ đưa ra các biện pháp để giúp ngăn chặn suy thoái kinh tế do đại dịch Covid -19. RBA sẽ mua trái phiếu chính phủ Úc như một phần của chương trình nới lỏng định lượng đầu tiên và đưa ra các khoản vay lãi suất thấp để cung cấp các khoản vay cho các ngân hàng Australia.
  • Hàn Quốc: Sau khi Fed hạ lãi suất, Hàn Quốc cũng đã hạ lãi suất 50 điểm xuống còn 0.75%. Chính phủ đưa ra ngân sách bổ sung 11,7 nghìn tỷ KWR (0,6% GDP), chủ yếu nhằm tăng cường hỗ trợ y tế và hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình, doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng.
  • Indonesia: Thực hiện các chính sách tiền tệ như: giảm lãi suất 25 điểm trong tháng 2 và 25 điểm trong tháng ba, giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng từ 8% xuống 4%, can thiệp vào thị trường trái phiếu, tuyên bố đưa ra 2 gói kích thích kinh tế: 10.3 nghìn tỷ IDR vào ngày 15/02 và 22 nghìn tỷ IDR vào ngày 13/03.; đưa ra các biện pháp bao gồm giảm thuế cho khách sạn và nhà hàng ở một số khu vực; khuyến khích các hãng hàng không giảm giá; giảm lãi suất người mua nhà thu nhập thấp. Bội chi ngân sách của Indonesia dự kiến tăng thêm 125 nghìn tỷ IDR hoặc 0.8% GDP.
  • Malaysia: Chính phủ dành 20 tỷ MYR để gia hạn các khoản đóng thuế, cải thiện cơ sở hạ tầng, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành du lịch. Ngân hàng Trung ương cũng đã giảm lãi suất 25 điểm xuống 2.5% trong tháng 3 sau khi giảm 25 điểm trong tháng 1, hạ tỷ lệ dư trữ bắt buộc 1% vào ngày 19/03.
  • Thái Lan: Vào tháng 2, Ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất 25 điểm, đầu tư 35 tỷ THB trái phiếu Chính phủ và can thiệp để tăng thanh khoản USD, công bố gói cứu trợ 100 tỷ THB nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp và người nghèo.
  • Việt Nam: Ngày 17/03, NHNN cũng đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ mức 6%/năm xuống 5%/năm và lãi suất tái chiết khấu giảm xuống 3,5%/năm từ mức 4%/năm trước đó. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng cũng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm… Lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Ngân hàng trung ương các nước đang thực hiện các chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trên toàn cầu được dự đoán sẽ vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng trong thời gian tới cho tới khi dịch Covid-19 được kiểm soát.